Khủng hoảng Covid-19 tái định vị các ngôi sao ngành thép châu Á

Trong khi các nhà sản xuất thép châu Á thu nhỏ quy mô để bảo toàn trước đại dịch thì các đối thủ Trung Quốc lại đang sử dụng đại dịch để chiếm lĩnh ngôi vị số 1 trên thị trường toàn cầu.

Khủng hoảng Covid-19 tái định vị các ngôi sao ngành thép châu Á

Vào cuối tháng 7 vừa qua, nhà sản xuất thép Hoa Sen Group của Việt Nam đã đưa ra một thông báo đáng ngạc nhiên: Họ sẽ từ bỏ việc xây dựng một khu liên hợp sản xuất trị giá 10 tỷ USD.

Công ty cho biết: “Tình hình khách quan hiện tại không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu”. Ban đầu, vào năm 2016, công ty đã đề xuất dự án xây dựng nhiều lò cao có công suất sản xuất 16 triệu tấn thép một năm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Chen Derong, chủ tịch nhà sản xuất thép hàng đầu nước này, Tập đoàn thép Baowu, gần đây đã công bố kế hoạch 5 năm của mình, công ty sẽ đầu tư 2,8 tỷ USD vào tỉnh Hồ Bắc.

Sự rút lui của Hoa Sen và bước tiến lớn của Baowu cho thấy rằng đại dịch đã thay đổi vận mệnh của các nhà sản xuất thép.

Với tình hình đại dịch làm ảnh hưởng xấu đến nhu cầu thép trên khắp thế giới, Hoa Sen không phải là công ty duy nhất phải rút lui trong nỗ lực tồn tại này. Các công ty châu Á nổi tiếng, từ Nippon Steel của Nhật Bản đến Posco của Hàn Quốc cũng đang đóng cửa các lò cao và xem xét kế hoạch chi tiêu vốn của mình

Atsushi Yamaguchi, nhà phân tích cấp cao của SMBC Nikko Securities, cho biết: “Đại dịch đã khiến cho chúng ta thấy rõ sự chậm trễ trong cải cách cơ cấu của các nhà sản xuất thép.”

Các nhà sản xuất thép châu Á hiện đang đóng cửa các cơ sở có chi phí cao và giảm công suất của chúng. Hồi tháng 7, Posco – một trong những công ty sản xuất thép Hàn Quốc lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường, thông báo sẽ đóng cửa một lò nung tại công trường Pohang – nơi có thể sản xuất tới 1,3 triệu tấn thép mỗi năm, tương đương 3% tổng công suất của Posco. Công ty cho biết họ cũng sẽ xem xét đóng cửa hoặc cải tạo một lò khác sớm nhất vào năm 2025.

Thông báo này được đưa ra ba năm sau khi Posco lần đầu tiên nói rằng họ sẽ đóng cửa lò luyện thép. Lần này, bản án tử hình có vẻ sẽ là điều chắc chắn đối với Posco, đại dịch Covid-19 đang đè bẹp tất cả các nhu cầu thép tại Hàn Quốc và doanh thu của công ty đã giảm 16% trong quý II vừa qua.

Còn tại Nhật Bản, sản lượng thép dự kiến ​​trong năm nay sẽ thấp hơn 80 triệu tấn – đây là mức sụt giảm lớn nhất trong suốt 52 năm qua tại quốc gia này.

Dù ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ Trung Quốc, các nhà sản xuất thép đang phải gánh chịu những khoản lỗ ròng khổng lồ.

Vào tháng 2, Nippon Steel, đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa hai lò cao ở tỉnh Hiroshima và Wakayama trong vài năm tới.

JFE Steel, công ty sản xuất thép số 2 của Nhật Bản, vào tháng 3 vừa qua đã tuyên bố sẽ đóng cửa một lò cao vào năm 2023 để cắt giảm 13% công suất sản xuất. Động thái này là cũng một phần trong chủ trương cải cách cơ cấu được công ty công bố trong cùng tháng đó.

Trước đại dịch, các nhà sản xuất thép bên ngoài Trung Quốc đã gặp phải những khó khăn khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra nhiều hậu quả đáng kể. Sau khi Washington tăng thuế đối với thép, các lô hàng thép xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ban đầu là dành cho Mỹ, sau đó đã phải tìm đường sang châu Á, kéo giá thép trong khu vực sụt giảm.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy nhu cầu trong nước phục hồi nhờ kích thích kinh tế do chính phủ dẫn đầu và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, với sản lượng thép năm 2019 đạt mức cao kỷ lục và chiếm 53% nguồn cung toàn cầu.

Khi Trung Quốc mua thêm quặng sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, các công ty châu Á khác bắt đầu chịu tỷ suất lợi nhuận thấp, do giá nguyên liệu thô leo thang và giá sản phẩm giảm.

Sau đó, đại dịch xảy ra đã củng cố thêm vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường thép toàn cầu.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Hồ Bắc lâm vào cảnh bế tắc, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các dự án xây dựng chìm trong bóng tối và nhu cầu thép giảm. Nhưng các nhà chức trách đã phản ứng bằng cách nới lỏng nguồn cung tiền và đổ thêm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, thị trường thép Trung Quốc đã phục hồi một cách nhanh chóng. Trong tháng 7, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 93,36 triệu tấn, đây mà mức sản lượng hàng tháng cao nhất được ghi nhận.

Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua ArcelorMittal, gã khổng lồ châu Âu từ lâu đã thống trị thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, đã có một số lo ngại về tình trạng dư thừa thép có thể sẽ xảy ra nếu Trung Quốc sản xuất quá nhiều. Để xoa dịu những lo lắng này, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng thị phần thị trường nội địa do 10 nhà sản xuất thép hàng đầu của nước này kiểm soát lên 60% vào cuối năm nay.

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc, để tìm cách thoát khỏi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã bắt đầu xây dựng lò cao ở Đông Nam Á. Do đó, công suất của khu vực này đã tăng lên đáng kể đến mức Viện Gang thép Đông Nam Á đã đưa ra cảnh báo rằng: Trong vài năm tới, khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ dư thừa công suất với sản lượng tăng hơn 61,5 triệu tấn một năm.

Bất chấp những lo ngại này, Tập đoàn Hàn Nhật của Việt Nam đã bắt đầu vận hành một lò cao mới vào cuối tháng 8, nâng công suất sản lượng lên 50%. Lò thứ 4 sẽ đi vào hoạt động vào năm tới, đưa tập đoàn trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất của đất nước.

Các cuộc chiến về giá cả thép vẫn đang nóng lên trong khu vực.

Trước sự tồn tại của nhiều yếu tố tiêu cực như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều ông lớn ngành thép châu Á phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất hay thay đổi chiến lược phát triển. Tuy nhiên, nếu công ty nào vượt qua được giai đoạn này, rất có thể nó sẽ nổi lên như một ngôi sao sáng trong khu vực.

Nhà sản xuất thép nổi tiếng Nippon Steel đã nói với Nikkei Asian Review rằng: “Với tốc độ thay đổi cơ cấu ngày càng nhanh trong môi trường kinh doanh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bổ sung thêm các biện pháp cho những cải cách cơ cấu mà chúng tôi đã công bố vào tháng 2 ”.

Những cải cách đó bao gồm giảm chi phí hơn 200 tỷ yên (1,8 tỷ USD), đóng cửa hai lò cao và rút lui khỏi các lĩnh vực kinh doanh không có lãi như kinh doanh thanh tròn titan.

Yamaguchi của SMBC Nikko Securities cho biết: Giảm quy mô và giảm chi phí hoạt động sẽ là chìa khóa để vượt qua cơn bão sắp tới. Ông nói thêm: “Liệu các nhà sản xuất thép có thể tồn tại trong kỷ nguyên hậu Covid-19 hay không còn phụ thuộc vào những gì họ làm”.

Nhưng theo Yuji Matsumoto, một nhà phân tích cấp cao tại Nomura Securities: “Trong khi các nhà sản xuất thép của châu Á thu nhỏ quy mô của mình để bảo toàn trước đại dịch thì các đối thủ Trung Quốc của họ lại đang sử dụng đại dịch để tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình trên thị trường toàn cầu. Hơn bao giờ hết, Matsumoto nói, “cung và cầu thép toàn cầu sẽ phải phụ thuộc lớn vào tình hình ở Trung Quốc”.

Rate this post
0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat FB
Chat Zalo
Chat với chúng tôi